Bưu chính Viettel (VTP): Triển vọng trung hạn duy trì mặc dù các thách thức do dịch COVID-19

Nguồn: VCSC

Triển vọng trung hạn duy trì mặc dù các thách thức do dịch COVID-19

 

PVT

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA cho (VTP) khi chúng tôi tin rằng công ty sẽ tận dụng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử của Việt Nam nhờ mạng lưới bưu cục rộng khắp, đầu tư vào công nghệ và các kế hoạch kinh doanh mới.

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 3% giá mục tiêu khi giảm 11% dự báo tổng LNST giai đoạn 2022- 2024 do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với chi tiêu của người tiêu dùng cũng như chi phí vận hành và giao hàng của VTP. Giá mục tiêu của chúng tôi một phần được hỗ trợ bởi việc cập nhật mô hình định giá của chúng tôi từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2022.

  • Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 33% vào giai đoạn 2021-2024 nhờ (1) tăng trưởng của thương mại điện tử mạnh mẽ ở Việt Nam được hỗ trợ bởi sự chấp nhận ngày càng tăng của người tiêu dùng, (2) cải thiện cơ cấu hiệu quả chi phí của VTP và (3) tiềm năng bình thường hóa chi phí giao hàng và vận hành trong bối cảnh các gián đoạn do dịch COVID-19 dự kiến sẽ giảm dần.

  • Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E 2022 của VTP ở mức 22,8 lần so với mức trung bình P/E trượt 3 năm của các công ty cùng ngành là 27 lần.

  • Yếu tố hỗ trợ: Những thay đổi về quy định nhằm giảm bớt sự cạnh tranh về giá trên thị trường giao nhận.

  • Rủi ro: Cuộc chiến giá cả kéo dài và ngày càng gay gắt trong ngành chuyển phát; chi tiêu của người tiêu dùng thấp hơn dự kiến; đầu tư không hiệu quả vào các lĩnh vực kinh doanh mới.

Những thách thức do dịch COVID-19 củng cố khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn của VTP so với các đối thủ cạnh tranh. Trong quý 3/2021, doanh thu ngành bưu chính của Việt Nam giảm 50% so với quý trước/QoQ (theo Bộ Thông tin và Truyền thông), trong khi doanh thu từ mảng dịch vụ của VTP - trong đó dịch vụ chuyển phát chiếm 85%-90% (theo VTP) - chỉ giảm 15% QoQ. Theo quan điểm của chúng tôi, VTP hoạt động tốt hơn nhờ vào các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 của công ty hiệu quả hơn và do đó hoạt động kinh doanh ổn định hơn. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ giao hàng không thành công của các đối thủ cạnh tranh tăng mạnh trong quý 3/2021 - một phần được phản ánh thông qua mức giảm mạnh hơn của doanh thu - có thể ảnh hưởng mức độ hài lòng của khách hàng và từ đó củng cố thị phần của VTP.

Việc người tiêu dùng tăng cường mua hàng trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 củng cố tăng trưởng sản lượng chuyển phát. Theo 1 báo cáo nghiên cứu năm 2021 do Google, Temasek và Bain đồng tác giả, 30% thương nhân kỹ thuật số được khảo sát tại Việt Nam tin rằng doanh nghiệp của họ sẽ không thể ứng phó với dịch COVID-19 nếu không chuyển đổi số vào năm 2021. Xu hướng này - cùng với việc người tiêu dùng tăng cường mua hàng trực tuyến, vị thế thị trường vững chắc của VTP và tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 trong vận chuyển hạ nhiệt - củng cố dự báo của chúng tôi rằng sản lượng chuyển phát của VTP sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 33% trong giai đoạn 2021-2024.

Biên lợi nhuận gộp của mảng dịch vụ phục hồi nhờ hoạt động kinh doanh quay về mức bình thường và hiệu quả chi phí cải thiện. Biên lợi nhuận gộp của mảng dịch vụ đã giảm còn 4,3% trong quý 3/2021 so với mức 10,4% trong 6 tháng đầu năm 2021 và 10,5% trong quý 3/2020 do các chi phí bổ sung liên quan đến dịch COVID-19 như xét nghiệm cho nhân viên, đóng cửa các bưu cục và trung tâm phân loại do có ca lây nhiễm, và tỷ lệ hoàn trả bưu kiện giao không thành công tăng. VTP cho biết hoạt động của công ty đã phục hồi khoảng 85% trong tháng 11 so với tháng 6/2021. Ngoài ra, các sáng kiến của VTP bao gồm chuyển đổi các bưu cục truyền thống sang mô hình số, áp dụng hệ thống "control tower" để tối ưu hóa các tuyến đường giao hàng và áp dụng các công cụ AI (ví dụ: callbot và chatbot) để cải thiện chi phí hoạt động của công ty. Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp của mảng dịch vụ sẽ tăng lên 8,3% trong quý 4/2021 và 10,0% trong năm 2024.